Pages

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Tiểu thương Việt Nam dùng Facebook: 5 sai lầm hay mắc phải

Theo Google Ad Planner thì có hơn 3 triệu người Việt sử dụng Facebook. Mình là một trong số hơn 3 triệu mống đó. Mỗi ngày, mình lượn trên Facebook ~10 tiếng đồng hồ và bắt gặp nhiều sự việc, hiện tượng đáng bàn. Một trong số đó là chuyện “những người trẻ kinh doanh, buôn bán nhỏ” (sau đây sẽ gọi tắt là “tiểu thương”) sử dụng Facebook như một công cụ “tiếp thị cho sản phẩm, dịch vụ” (gọi tắt là “cục tác”). Hôm nay, mình xin phép, hoàn toàn khách quan, công minh và hồ đồ(1), đánh số chỉ tên những sai lầm mà cực nhiều tiểu thương Việt Nam trên Facebook mắc phải.


Facebook theo phong cách khoan cắt bê tông. Ảnh: Ksayer1 (Flickr.com)
1. Dùng profile để cục tác
Mình cá là nhiều người thậm chí còn chả phân biệt được đâu là trang dành cho cá nhân (profile) và đâu là trang dành cho công chúng (page hay fanpage)! Thế này nhé, khi bạn đăng ký dùng Facebook, bạn sẽ có ngay một trang mang tên riêng của bạn. Đó là profile. Facebook cho phép bạn dùng profile để liên hệ với bạn bè gần xa bà con khối phố, profile có nhiều tính năng tiện lợi (viết vài câu ngắn – status, đăng ảnh, chia sẻ link, viết bài dài – note…), nhưng bạn không được phép dùng nó như một công cụ cục tác hay bán hàng, Facebook quy định thế.
Nếu muốn cục tác bán hàng, bạn phải lập riêng một trang khác, trang dành cho công chúng – page. Kiểu trang này dùng chung thông tin đăng nhập với trang cá nhân (tức là chỉ cần log in một lần) nhưng có hoạt động tách biệt, phù hợp với việc cục tác bán hàng hơn,  có tính năng vượt trội hơn, và nếu biết sắp xếp thì giao diện trông sẽ chuyên nghiệp hơn hẳn. Bạn có thể cãi là tiểu thương thì không cần tính năng vượt trội hay giao diện chuyên nghiệp và cứ tiếp tục dùng profile để cục tác. Nhưng nếu một ngày đẹp giời Facebook phát hiện ra bạn làm vậy rồi cho tài khoản của bạn bốc hơi, thì đừng trách Facebook vô tình nhá!
Để hiểu rõ hơn tại sao dùng profile để cục tác lại là sai lầm, mời bạn đọc thêm bài này: 5 lý do tại sao bạn nên ngừng tiếp thị bằng trang cá nhân trên Facebook.
2. Dùng ngôn ngữ xì tin để giao tiếp với khách hàng
Rất nhiều lần mình bắt gặp những dòng thế này trên Facebook:
“shop ABCDEF hag xjn moj ve …… nhju vay ao sju cute !!! moj ng wa ug ho nha !!!”
Nói thật, nhìn cách viết tuỳ tiện và chả tuân theo một bài học chính tả hay trình bày văn bản nào như cái dòng, xin lỗi, của nợ ở trên, mình chỉ thấy muốn chửi bậy, chứ chả thèm quan tâm “hàng xịn mới về váy áo siêu cute” gì sất! Và mình tin mình không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Tất cả những người dùng Facebook  ở tuổi trưởng thành, có tư duy mạch lạc, có nghề nghiệp ổn định và thu nhập khá mà mình biết đều không có cảm tình với kiểu ngôn ngữ biến dạng, mà chính những người này mới là đối tượng khách hàng nhiều tiềm năng cho những tiểu thương online, vì họ sẵn sàng và chủ động chi trả tương đối nhiều tiền cho việc mua sắm trên mạng.
Nếu bạn bằng lòng bó hẹp việc kinh doanh của mình trong một nhúm khách hàng gồm toàn những cô cậu choai choai còn phải ngửa tay xin tiền phụ huynh, lại nhí nhí nhảnh nhảnh, ăn không nên đọi nói không nên lời, thì cứ tiếp tục dùng ngôn ngữ xì tin như vậy. Còn nếu bạn muốn mở rộng đối tượng khách hàng,  hãy viết chuẩn hết mức có thể. Hãy nhớ: Ngôn ngữ xì tin thì chỉ có xì tin mới hiểu, còn ngôn ngữ chuẩn thì tất cả mọi người đều hiểu, kể cả xì tin!

3. Tag ảnh vô tội vạ
Bạn vừa có một sản phẩm hay dịch vụ mới, bạn đăng một vài bức ảnh liên quan đến sản phẩm/ dịch vụ đó và tag(2) một số khách hàng vào ảnh để báo cho họ biết tình hình làm ăn của bạn? Cũng được thôi, nhưng nếu cái “một vài” với “một số” kia mà thường xuyên lên đến mười mấy hoặc hơn, với những cái tên được tag lạ huơ lạ hoắc mà chính bạn cũng không rõ là ai, thì bạn nên ngừng lại. Vì Facebook cung cấp chức năng tag ảnh là để bạn gắn tên những người thực sự liên quan đến nội dung bức ảnh (VD: người có mặt trong ảnh, người chụp ảnh, người chủ hoặc phù hợp với món đồ trong ảnh…) chứ không phải để bạn dùng nó như một kiểu chèo kéo làm phiền người khác.
Gần đây, Facebook cho phép người dùng tag cả những trang dành cho công chúng, và trang của mình cũng “hân hạnh” trở thành nạn nhân. Ngày nào mình cũng phải “ngắm” một loạt những bức ảnh hoặc chụp ẩu xấu điên hoặc vi phạm bản quyền rồi cặm cụi remove tag (bỏ tên trang của mình ra khỏi ảnh). Việc này vừa làm mình mất thời gian, vừa khiến mình khó chịu! Ơn giời, sau một thời gian chịu đựng, mình đã thấy Facebook thêm cả lựa chọn remove tag and ban user (bỏ tên ra khỏi ảnh và cấm người tag vào trang của mình vĩnh viễn). Và mình cũng đã thấy Facebook thử nghiệm chức năng cho phép báo cáo rằng ảnh tag nào đó là spam. Vì thế, hãy uốn ngón tay bảy lần trước khi bấm chuột tag ảnh!
4. Spam trên các trang đông người
Bạn phát hiện ra một trang công cộng nào đó trên Facebook có tới mấy chục/trăm nghìn, thậm chí cả triệu người tham gia? Bạn hăm hở xông ngay vào, đặt luôn lên tường (wall) trang đó một cái link lù lù dẫn sang trang của bạn, chả đếm xỉa xem nội dung trang đó và trang của bạn có liên quan gì đến nhau hay không, chủ trang đó có chào đón quảng cáo hay không, thành viên trang đó có phải là dạng khách hàng tiềm năng của bạn hay không… Thế rồi bạn nghĩ bạn đã thực hiện một hành động tiếp thị thật là, con bà nó, sáng suốt? Nhầm, nhầm to! Hành động của bạn chả khác, xin lỗi, đéo gì lũ chuyên đi sơn quảng cáo khoan cắt bê tông bị cả xã hội ngoài kia khinh ghét. Thậm chí, so với đám khoan cắt bê tông, bạn còn tỏ ra nhiệt tình + ngu dốt (và do đó, = phá hoại) hơn, vì ít nhất đám kia còn biết tránh nhà nào có đầu gấu hay chỗ công cộng nào được nhiều người nâng niu.
Với kinh nghiệm điều hành nhiều trang công cộng có hàng nghìn và chục nghìn người truy cập(3), mình thấy việc spam trên các trang đông người thường chẳng mang lại tác dụng gì đáng kể, vì thông tin ở những nơi đó thường được số đông thành viên đóng góp đầy ắp và trôi đi gần như ngay lập tức, chưa kể đến việc người quản trị những trang đó thường lựa chọn ẩn những thông tin do người khác đưa lên và thủ tiêu rất nhanh những thông tin mà họ thấy là thừa thãi (trong trường hợp người quản trị khó tính, bạn còn có thể bị đánh dấu là kẻ chuyên đi spam, và có nguy cơ bị Facebook cho bốc hơi cả tài khoản). Vì thế, bạn hãy thôi làm cái việc vô ích và đáng ghét là dán-viết bừa lên tường nhà khác đi, hãy để dành thời gian, công sức cho việc nghĩ ra những phương cách lôi kéo khách dễ thương và hiệu quả hơn!

5. Không chăm chút tường nhà (wall)
Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều trang của tiểu thương người Việt trên Facebook. Mặt tiền page của các bạn hoặc rất hoang vắng đìu hiu, năm thì mười hoạ mới thấy một câu cập nhật, hoặc rất bừa bãi lộn xộn, tin cập nhật của chính chủ để lẫn với spam của người khác làm người đọc thấy rối mắt, khó tìm. Nguyên nhân khách quan là Facebook bị chặn, khó truy cập và nếu có vào được thì cũng dễ bị què cụt chức năng. Nguyên nhân chủ quan có thể là vì các bạn quá bận chuyện kinh doanh ngoài đời và/hoặc không thực sự coi trọng việc tiếp thị qua Facebook.
Giải pháp cho vấn đề này thực ra cũng không quá phức tạp. Bạn có thể chỉnh lại chế độ hiển thị của trang sao cho trên tường chỉ có những thông tin do bạn gửi (thông tin do người khác gửi bị ẩn đi) rồi nhờ hay thuê được ai đó thạo máy tính nói chung và Facebook nói riêng để phụ trách việc cập nhật trên Facebook. Bạn cũng có thể tự đặt lịch dọn dẹp, cập nhật cố định theo tuần hoặc block vài ngày. Nói chung, một khi bạn muốn làm cho ra tấm ra món thì kiểu gì cũng có giải pháp tuốt!
Bạn có phải tiểu thương trên Facebook không? Bạn mắc những lỗi nào trong số những lỗi trên?

Nguồn: Internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét